Đưa… hàng dỏm về nông thôn

Lợi dụng chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn, nhiều doanh nghiệp (DN) đưa hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng về ĐBSCL rồi bán với giá trên trời. Khi người dân phát hiện sản phẩm không sử dụng được, DN đã cao chạy xa bay.

Nhiều người dân cho biết đã rơi vào bẫy của DN do các hội thảo giới thiệu sản phẩm và địa điểm bán hàng được DN tổ chức ngay tại hội trường, mặt bằng của UBND xã.

“Do thấy DN có đăng ký kinh doanh, hưởng ứng chủ trương đưa hàng Việt về nông thôn, muốn tạo điều kiện người dân mua sắm nên chúng tôi cho phép. Cái này xã đã rút kinh nghiệm

Ông Nguyễn Phi Hùng (phó chủ tịch UBND xã Bình Phú, Châu Phú, An Giang)

Giá cao, chất lượng kém

Nhiều người dân xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, An Giang cho biết vẫn đang truy lùng Công ty TNHH thương mại dịch vụ Z379 (Công ty Z379) để trả hàng và đòi lại tiền nhưng DN này đã “biệt chim tăm cá”.

Ông Nguyễn Văn Bình - một trong những nạn nhân của DN này tại ấp Vĩnh Thành (xã Vĩnh An) - kể trước đó DN đã treo đầy băngrôn “Chương trình người Việt dùng hàng Việt”, cho người đi quảng cáo rùm beng, rồi tổ chức hội thảo, bán hàng có khuyến mãi ngay tại trụ sở UBND xã nên thu hút nhiều người dân tham gia mua.

Các sản phẩm được DN giới thiệu có “chất lượng cao” như bộ nồi đa năng, nồi tiết kiệm năng lượng, đèn và một số thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời... nhưng hàng mua về rồi mới biết bị ăn quả lừa, chất lượng hàng không như quảng cáo - ông Bình bức xúc.

Theo ông Bình, do không có sẵn tiền, gia đình ông đem chiếc xe máy đi cầm lấy tiền để mua bộ nồi giá 2,8 triệu đồng, “nhưng nồi nấu cơm không chín, cho ít gạo lại thì bị khét. Lỡ mua rồi bà con mình mới biết bị lừa”.

Bà Nguyễn Thị Kim Thảo - cán bộ văn phòng UBND xã Bình Chánh, huyện Châu Phú - cho biết nhiều người dân trong xã cũng là nạn nhân của DN này, bởi phần lớn sản phẩm đều kém chất lượng.

“Quảng cáo là hàng chất lượng cao nhưng đèn pin năng lượng mặt trời mau hỏng, nồi tiết kiệm năng lượng đáy mỏng không giữ nhiệt, nồi cơm điện nấu hai lần là tróc lớp chống dính, còn đồ tặng khuyến mãi giá trị chẳng bao nhiêu. Hàng hóa thường không có hóa đơn, chứng từ, thiếu nhãn mác” - bà Thảo nói.

Theo ông Nguyễn Văn Cảnh (xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân), do DN này rao bán một món hàng kèm theo tặng phẩm khác hấp dẫn nên nhiều gia đình mua cả chục triệu đồng, chỉ trong một buổi hội thảo đã bán hết số hàng chở đầy xe tải trị giá trên 300 triệu đồng.

Đưa… hàng dỏm về nông thôn

“Bán xong họ lên xe vọt lẹ ngay như đi ăn cướp. DN chuyên đi lừa người dân nhẹ dạ, cả tin chứ bán buôn cái gì. Có gia đình nghe dụ dỗ bùi lỗ tai quá nên mua luôn sáu bộ nồi hết 17 triệu đồng tặng cho con cái dùng, mà rồi có xài được đâu” - ông Cảnh bức xúc.

Tại Kiên Giang, nhiều người dân cũng dở khóc dở mếu sau khi bỏ ra số tiền lớn nhưng mua phải hàng không sử dụng được. Bà Lê Thị Thơm (xã Tân An, huyện Tân Hiệp) cho biết đã được Công ty TNHH Phong Nghĩa (địa chỉ đăng ký kinh doanh tại TP Cần Thơ) gửi thư mời tham dự chương trình tiết kiệm điện, năng lượng và bảo vệ môi trường. Thấy hội thảo tổ chức tại nhà phó ban ấp, lại có băngrôn với dòng chữ “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” rất hoành tráng nên bà Thơm cũng như nhiều người dân tin tưởng đến tìm hiểu.

Sản phẩm mà DN rao bán gồm thiết bị thu phát điện năng lượng mặt trời giá 5,9 triệu đồng, đèn sạc pin xách tay xài năng lượng mặt trời giá 1,5 triệu đồng. Đặc biệt có bộ nồi “thông minh” được quảng cáo tiết kiệm gas nhờ chức năng “4 trong 1” vừa nấu cơm vừa kho cá, nấu canh, luộc rau có giá 1,85 triệu đồng. “Ai cũng khoái vì tiết kiệm điện, tiện dụng, lại còn có nhiều quà tặng. Phần muốn ủng hộ hàng Việt nên chọn mua” - bà Thơm cho hay.

Tuy nhiên sau khi mua về sử dụng, nhiều người mới bật ngửa do nồi nấu cơm không chín, đèn pin xách tay chỉ xài vài giờ là hỏng, tấm pin năng lượng chỉ sử dụng vài giờ là cạn nguồn, trong khi quảng cáo sạc một lần xài được tới ba ngày ba đêm. Sau đó, theo bà Thơm, khi phát hiện DN này tiếp tục tổ chức hội thảo bán hàng tại xã Tân Hòa, người dân đem sản phẩm tới yêu cầu công ty giải thích nhưng các nhân viên này đã... ôm đồ bỏ chạy.

Doanh nghiệp 
cao chạy xa bay

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Công ty Z379 (Ninh Kiều, TP Cần Thơ) được thành lập ngày 26-3-2015 với ngành nghề kinh doanh chính là bán buôn và nhập khẩu máy thu năng lượng mặt trời, bình ăcquy, tấm pin năng lượng mặt trời, thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, máy Ozone.

Tuy nhiên, khi đến địa chỉ của công ty (số 337-AB2 đường số 7 khu dân cư Hồng Phát, P.An Bình, Q.Ninh Kiều), chúng tôi thấy trụ sở đã đóng cửa khóa bên ngoài. Gọi vào số điện thoại trên bảng hiệu, một cô gái cho biết DN này đã trả văn phòng và ngưng hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Te - trưởng khu vực 4, P.An Bình, nơi công ty đặt trụ sở - kể vào tháng 12-2015, UBND P.An Bình có nhận đơn khiếu nại tập thể của người dân P.Phú Thứ (Q.Cái Răng, TP Cần Thơ) về bảo hành cũng như chất lượng sản phẩm của công ty. Theo đó, nồi tiết kiệm năng lượng có thể nấu cơm, hầm canh... giá 2,1 triệu đồng nhưng khi nấu cơm thì nửa chín nửa sống.

“Đấy chỉ là cái nồi thông thường, bên trong đáy nồi được gắn chiếc vòng bằng gang để giữ nhiệt. Hàng hóa không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và không hóa đơn chứng từ. Sau đó, công an và quản lý thị trường (QLTT) có đến kiểm tra hoạt động của DN này” - ông Te nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thanh Chiến - đội trưởng đội QLTT số 3, TP Cần Thơ - cho biết do tại trụ sở Công ty Z739 không có hàng hóa nên cơ quan chức năng đã kiểm tra hàng hóa của Công ty TNHH quảng cáo truyền thông Dấu Ấn Việt - đơn vị cung cấp hàng hóa cho Công ty Z379.

Kết quả cho thấy hơn 600 cái thau không ghi nhãn hàng hóa, 120 cái chảo nhôm và 1.600 đèn pin năng lượng mặt trời không ghi đủ nội dung trên nhãn hàng hóa... với tổng giá trị tang vật vi phạm trên 119 triệu đồng và Công ty Dấu Ấn Việt bị xử phạt 13.250.000 đồng.

“Theo hợp đồng, Công ty Dấu Ấn Việt cung cấp bộ nồi inox có giá 1,2 triệu đồng, đèn pin năng lượng mặt trời giá 70.000 đồng/cái... Trong khi Công ty Z379 bán cho người dân bộ nồi 2,1 triệu đồng, một đèn pin năng lượng mặt trời 1,5 triệu đồng. Cao gấp rất nhiều lần giá gốc” - ông Chiến nói.

Tương tự, sau khi bán hàng được một thời gian, Công ty Phong Nghĩa cũng... lặn mất tăm, nhiều người dân gọi vào số điện thoại liên lạc của DN ở Cần Thơ nhưng chẳng nhận được trả lời.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Khánh Hưng - chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Kiên Giang - cho hay sau khi tiếp nhận phản ảnh của bà con, chi cục đã cử cán bộ đi tìm rồi phối hợp với Chi cục QLTT TP Cần Thơ để truy tìm nhưng không tìm được DN, chỉ gặp được người cho họ 
thuê nhà.

“Người này cho biết công ty chỉ thuê địa điểm để gắn biển hiệu, ngoài ra không thấy họ hoạt động gì nhiều. Có thể nay công ty đã giải thể” - ông Hưng nhận định. Cũng theo ông Hưng, một DN khác là Công ty Cửu Long Pro, chuyên bán sản phẩm nồi tiết kiệm năng lượng, đã bị cơ quan này xử phạt 50 triệu đồng do vi phạm về nhãn mác ghi không đúng với chất lượng hàng hóa.

Theo Tuổi Trẻ

Tin tức khác