Chặt bỏ hàng chục ha cà phê vì hạn

Do hạn hán, hàng loạt cây trồng lâu năm ở Tây Nguyên đang chết dần, nhiều người phải đốn bỏ chuyển sang cây trồng ngắn hạn như bắp, đậu phộng hay trồng cỏ nuôi bò

Các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum… đang phải gánh chịu hạn hán khốc liệt nhất trong 30 năm qua. Hàng ngàn người dân ở Tây Nguyên đã làm mọi cách để tìm nguồn nước như khoan giếng, vét kênh… để cứu cây trồng. Tuy nhiên, nhiều nơi ở Gia Lai, Kon Tum, người dân đã bất lực, phải chặt bỏ hàng chục ha cà phê, hồ tiêu để trồng cây ngắn ngày nhằm cứu vớt cuộc sống.

Không còn cách nào khác

Anh Phùng Ngọc Ba (40 tuổi; huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) bỏ ra hơn 100 triệu đồng để khoan thêm 3 giếng với hy vọng cứu 3 ha cà phê nhưng bất thành. Anh cho biết: “Hiện nước sinh hoạt còn phải mua từng ngày thì lấy đâu ra nước tưới cây. Không còn cách nào khác, tôi phải đốn bỏ 1/3 diện tích cây cà phê gần 10 năm tuổi, chuyển sang trồng hoa màu khác để có thu nhập”.

Chặt bỏ hàng chục ha cà phê vì hạn

Theo anh Ba, do thiếu nước từ trước Tết đến nay, cây cà phê đã rụng hết lá và trái, không còn đường cứu vãn. Nếu giữ lại, ít nhất phải mất 3 năm, cây mới hồi phục nên gia đình chọn phương án chuyển đổi cây trồng.

Ông Nguyễn Thanh Trà (ngụ huyện Chư Pưh) tâm sự: “Biết chặt bỏ cây trồng đã gắn bó với mình nhiều năm là tiếc lắm nhưng không đốn thì nó cũng chết. Chờ đến mùa mưa, tôi trồng cây ngắn ngày như bắp, đậu hay cỏ nuôi bò để sống qua ngày”.

Trong khi đó, tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai của tỉnh Lâm Đồng, người dân đồng loạt đốn hạ cây cà phê, trà để trồng hồ tiêu. Theo họ, cây tiêu cần ít nước hơn cây cà phê.

Do vườn cà phê 2,5 ha đã chết cháy, ông Nguyễn Văn Tiến (ngụ xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) phải chặt bỏ để trồng bắp, chờ mưa xuống trồng thêm cây tiêu. “Thấy cả vườn chết cháy não ruột lắm nên tôi cưa bỏ, đợi tới mùa mưa, tược con (mầm non) mọc lên ghép giống mới hoặc chuyển đổi cây trồng khác. Không chỉ tôi mà cả vùng này đều làm thế, cây cà phê không nước héo rụng lá, rụng trái là coi như bỏ” - ông Tiến nói.

Ông Nguyễn Canh - Bí thư Huyện ủy Di Linh, tỉnh Lâm Đồng - cho biết: “Riêng cà phê, diện tích tưới nước chống hạn đợt 1 của huyện đạt 92%, đợt 2 giảm còn 76%. Trong đó, diện tích không có nguồn nước tưới đợt 2 đến khoảng 11.000 ha. Nếu hiện tượng El Nino còn tiếp diễn, cây trồng địa phương sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng”.

Thiệt hại tiếp tục tăng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối tháng 3-2016, hơn 3.000 ha cà phê, 2.200 ha hồ tiêu ở Tây Nguyên đã mất trắng. Con số này sẽ tiếp tục tăng khi đỉnh điểm khô hạn dự báo sẽ diễn ra trong tháng 4 và kéo dài đến tháng 6-2016. Tổng diện tích cây trồng thiếu nước tưới ở Tây Nguyên hiện lên đến 160.000 ha, đối mặt với nguy cơ mất trắng nếu không có nước bổ sung. Ước tính, mỗi tỉnh ở khu vực này thiệt hại không dưới 100 tỉ đồng.

Riêng các tỉnh Gia Lai, Lâm Đồng, Đắk Lắk, hàng loạt cây trồng đang chết dần. Các địa phương này đã điều hàng chục xe của quân đội, công an, PCCC đến các vùng khô hạn để tiếp nước sinh hoạt và tạm cứu cây trồng.

Trong chuyến thị sát về tình hình hạn hán khốc liệt tại các huyện Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc được cho là thủ phủ cây cà phê của tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Xuân Tiến - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh - đã chỉ đạo: “Lãnh đạo các xã gấp rút thăm dò nguyện vọng của người dân để lập kế hoạch chống hạn lâu dài”.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Trung Thành, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên, thừa nhận năm nay, tình hình hạn hán diễn ra khốc liệt nhất trong 30 năm ở Tây Nguyên. Đây là đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử quan trắc ở nước ta. Điều này khiến nhiệt độ tăng cao, lượng mưa ít gây thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân. “Việc trồng cây ngắn ngày chỉ là giải pháp trước mắt của bà con bởi cây cà phê, hồ tiêu là sinh kế giúp hàng chục ngàn người Tây Nguyên đổi đời nhiều năm qua” - ông Thành nói.

Hơn 100.000 ha cà phê Tây Nguyên nguy cơ 'hóa củi'

Người lao động

Tin tức khác